Friday, July 4, 2014

  bài viết này mình đọc thấy hay mình chia sẽ với các bạn.hãy làm theo lời Chủ Tịch Hồ Chí Minh đậy nhe.  Bác Hồ nói:“Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”. Vậy làm thế nào để có thái độ và phương pháp học tập đúng? Bác căn dặn: 


1.     Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời.
“ Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học hành để tiến kịp nhân dân”.
                 Bác đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập bền bỉ và khiêm tốn học hỏi. Có người thấy tuổi mình đã cao, rồi đâm ra tiêu cực, không thiết học, hoặc không tin ở sức học của mình. Bác Hồ đã ân cần chỉ bảo:“Bác nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già, nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. Đặc biệt đối với thầy giáo, việc tự học không ngừng lại càng quan trọng. Bác đã nhắc nhủ:“Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”, Bác phê phán:“ Người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”.
       2. Phải có thái độ học tập đúng đắn.
               Bác Hồ nói:“Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”. Vậy làm thế nào để có thái độ và phương pháp học tập đúng? Bác căn dặn:
      - Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
                 Khi nói chuyện tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, Bác Hồ đã nhắc nhở:“ Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây cần đặt lại câu hỏi:
                   Học để làm gì?
                  Học để phục vụ ai?
                Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”.
                Thanh niên chúng ta hiện nay muốn xứng đáng là người chủ thì phải học tập. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ của người chủ nước nhà.
               - Khiêm tốn, thật thà.
              Thái độ này là thể hiện ý chí cầu học, cầu tiến bộ của con người mới. Bác nói: “Phải khiêm tốn, thật thà... Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
               - Tự nguyện, tự giác, chống học vẹt.
                Bác Hồ đã khuyên người học:“ Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ…phải hoàn thành cho được”. Khi đã có ý thức tự nguyện, tự giác học tập thì phải chống lối học vẹt. Bác đã nhắc nhở học sinh:“Các cháu không nên học gạo, không nên học vẹt...Học phải suy nghĩ, phải có liên hệ thực tế, phải có thí nghiệm thực hành. Học và hành phải kết hợp với nhau”.
               - Độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng.
               Tích cực suy nghĩ một cách độc lập tức là thấm nhuần quan điểm dựa vào sức mình là chính trong học tập, là biểu hiện cao của ý thức tự nguyện, tự giác học tập, cũng là phương pháp có hiệu lực chống học vẹt. Cho nên phải để tư tưởng được tự do không phụ thuộc mù quáng vào sách vở, mới có thể đạt tới chân lý khách quan. Vì lẽ đó, Bác Hồ đã nói:“Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, không tin một  cách mù quáng từng câu, từng chữ một trong sách. Có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi“vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không. Tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều, phải suy nghĩ chín chắn”. Tất nhiên tự do tư tưởng không có nghĩa là suy nghĩ lung tung, hoặc cái gì cũng gật gù mà phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải.
              - Học lẫn nhau và học ở đâu.
                 Bác Hồ căn dặn:“ Học ở trường. Học trong sách vở. Học lẫn nhau và học ở nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót lớn”.
                 Bác thường nhắc chúng ta phải biết khiêm tốn học hỏi những người xung quanh mình vì ai cũng có những mặt tốt, những kinh nghiệm hay. Không học lẫn nhau đó là sai lầm. Coi khinh quần chúng, không biết học ở đâu, lại càng nguy hiểm. Bác chỉ rõ:“ Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau sửa đổi nếu không sẽ luôn thất bại. Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh...”
                Trên đây là một số thái độ học tập mới cần thiết cho mỗi người học. Chúng ta phải dần dần xây dựng thái độ học tập đó thành một tác phong thường xuyên trong quá trình học tập. Có như thế mới đúng nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tế, làm cho việc học tập của chúng ta đạt được mục đích đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể của nước ta hiện nay.
                Tuy Bác đã đi xa, song nhiều quan điểm và ý kiến của Bác về học tập vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là một tài sản vô giá đối với ngành giáo dục nói chung và đối với những người làm công tác dạy học nói riêng.





0 comments :

Post a Comment